Tài chính – Ngân hàng TRANG CHỦ » Thông tin ngành » Tài chính – Ngân hàng

Ngành Tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

10h:5 (GMT+7) - Thứ ba, 12/05/2020

Thời gian qua công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp luôn được Chính phủ quan tâm triển khai hiệu quả. Riêng với ngành Tài chính, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng luôn được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Nhiều kết quả tích cực

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Thông tin dịch vụ công quốc gia luôn được Chính phủ triển khai quyết liệt, hiệu quả.

 

Bt 1.jpg

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5/2020

 

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Chính phủ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 3893/6191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 6776/9926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính được trên 18 triệu ngày công/năm và tương đương với 6300 tỷ đồng tiết kiệm/năm.

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng toàn diện, thực chất, các Bộ ngành đã có phương án xử lý 1501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế, hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Bên cạnh đó việc cải thiện thủ tục hành chính và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đến nay, đã có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%, số lượng hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích tăng nhanh. Việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh qua triển khai dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh.

Sau 6 tháng từ 8 nhóm dịch vụ, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia tích hợp cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 160 dịch vụ công phục vụ người dân, 229 dịch vụ công cho doanh nghiệp. Cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp nộp các nghĩa vụ tài chính liên quan. Nhiều dịch vụ công được doanh nghiệp quan tâm thực hiện như: thông báo hoạt động khuyến mại, cấp C/O, cấp điện, nộp thuế phí lệ phí, kê khai nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn nộp thuế...

Tính đến ngày 6/5/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 35 triệu lượt người truy cập, có trên 134.000 tài khoản đăng nhập một lần. Trong đó tháng 3, tháng 4 số lượng tài khoản tăng gấp 2 lần. Mỗi tháng trung bình tăng 22 nghìn tài khoản, trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 55000 hồ sơ được thực hiện qua dịch vụ cổng quốc gia. Trong tháng 4 số lượng hồ sơ trực tuyến tăng gấp 3,3 lần. Như vậy trung bình tiếp nhận xử lý 1400 hồ sơ trực tuyến/ngày, tiếp nhận hỗ trợ cho trên 10.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6490 tỷ đồng/năm, trong đó riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3036 tỷ đồng/năm. Tiếp nhận xử lý 5465 phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu 2017 - 2019 tăng 21 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia lãnh thổ, vị trí thứ 5 ASEAN, diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 10 bậc từ 77 lên 67/141 quốc gia lãnh thổ và xếp thứ 7 ASEAN.

 

thue.jpg

 

Các dịch vụ công về thuế

 

Về phía Bộ Tài chính, thời gian qua công tác cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cũng luôn được chú trọng. Cụ thể Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý theo mục tiêu cải cách toàn diện, hiệu quả và tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện, chú trọng những lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 Cục Thuế và 100% Chi cục Thuế trực thuộc; đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 Cục thuế; đẩy mạnh hoàn thuế điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Trong lĩnh vực Hải quan, Bộ Tài chính đã: Chỉ đạo các cục Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở đánh giá rủi ro đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa đối với mặt hàng khẩu trang xuất khẩu; Nâng cấp hệ thống VNACCS/VCIS tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu, không có sự can thiệp của công chức hải quan; Triển khai cấp các giải pháp đảm bảo việc quản lý, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin như tổ chức sắp xếp công việc, phân công cán bộ, công chức quản lý, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh trên phạm vi cả nước được thực hiện nhanh chóng, thông suốt, liên tục; Tiếp tục duy trì, vận hành ổn định Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan; đồng thời chú trọng hơn nữa việc hướng dẫn, xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan thông qua phương thức điện tử và làm việc từ xa như thông qua Cổng thông tin điện tử Hải quan, hỗ trợ qua đường dây nóng, email,...

Trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đã: Cắt giảm các thủ tục hành chính (giảm thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 24 giờ) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ và đã có 26 doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu quỹ (từ 16/3 đến 15/4) với tổng số cổ phiếu đăng ký mua là 170.489.189 cổ phiếu tương đương 3.123 tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại cổ đông và báo cáo tài chính; Hướng dẫn các công ty đại chúng việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến; đề nghị các công ty kiểm toán phối hợp để ký báo cáo tài chính kiểm toán đúng hạn, đối với các doanh nghiệp vì lý do bất khả kháng không thể công bố báo cáo tài chính theo quy định được hướng dẫn thực hiện tạm hoãn, lùi thời gian công bố thông tin vì lý do bất khả kháng (đã có 673/733 công ty niêm yết nộp báo cáo tài chính đúng hạn, đạt tỷ lệ khoảng 91%; 59 công ty đại chúng đã được xử lý hướng dẫn công bố thông tin lùi thời hạn vì lý do bất khả kháng); Chỉ đạo 02 Sở giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán xây dựng các kịch bản điều hành thị trường chứng khoán trong mọi hoàn cảnh bị tác động của dịch Covid-19 và đến nay hệ thống giao dịch chứng khoán đã được duy trì hoạt động thông suốt.

Trong lĩnh vực Kho bạc nhà nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc nhà nước, theo đó, quy trình, thủ tục được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian kiểm soát và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước; áp dụng nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần, rút ngắn tối đa thời gian thanh toán xuống còn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, chứng từ hợp pháp, hợp lệ của đơn vị; thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro căn cứ giá trị của các khoản chi; kiểm soát theo cơ chế khoán chi.

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Kho bạc nhà nước đẩy mạnh triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Trang thông tin điện tử của hệ thống Kho bạc nhà nước; qua đó, một mặt tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng ngân sách không phải giao dịch trực tiếp với Kho bạc nhà nước để phòng chống dịch bệnh; mặt khác, góp phần cải cách thủ tục hành chính và vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các khoản chi.

 

Tâp trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

 

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian tới Văn Phòng Chính phủ cùng với các Bộ ngành địa phương sẽ triển khai nhiều chương trình, giải pháp như: Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Chương trình về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 giúp cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, tiến hành kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, giám sát thường xuyên thông qua hệ thống phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng nhiều nguyên tắc quản lý rủi ro, xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp như: chứng nhận, giám định, kiểm định, tăng cường thừa nhận lẫn nhau.

Mặt khác, thực hiện triển khai hiệu quả Nghị định 45/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, ghi nhận giá trị pháp lý của kết quả thủ tục hành chính điện tử, của hồ sơ ký số của doanh nghiệp và thúc đẩy giao dịch điện tử.

Ngoài ra, yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung lựa chọn, cung cấp trên môi trường điện tử các thủ tục hành chính có nhu cầu lớn liên quan nhiều đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Thủ tục hành chính liên ngành, liên cơ quan, số hóa giấy tờ Nhà nước đã cấp cho người dân, doanh nghiệp để liên thông, chia sẻ lại, giảm yêu cầu cung cấp lại.

Tích hợp cung cấp dịch vụ công qua cổng Dịch vụ công quốc gia từ ngày 12/5/2020. Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp thêm 6 dịch vụ công về: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương, ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp; kê khai, gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Chia sẻ thêm về nội dung này tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thể hiện thông qua việc kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính; rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính nhằm đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.

Tăng cường hiện đại hóa hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính; tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, vận hành ổn định và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

 

Thu Trang